Ròng rã nhiều ngày, Hà Nội phun thuốc muỗi trên diện rộng, thế nhưng mỗi tuần, vẫn có thêm từ 2.000-3.000 ca sốt xuất huyết mới, khiến nhiều người nghi ngại: Liệu chủng loại thuốc mà Hà Nội đang phun có hiệu quả hay không?
Do đó, ngoài phun thuốc diệt muỗi, cần nhất sự vào cuộc của cộng đồng để tiêu diệt loăng quăng, bọ gậy. Có vậy mỗi người dân mới bảo vệ được bản thân, gia đình và cộng đồng trước dịch sốt xuất huyết”.
Với tổng số khoảng 19.000 ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay, thời gian qua, ngành y tế Hà Nội đã tăng cường phun thuốc diệt muỗi với tần suất lớn. Từ các khu vực trọng điểm nguy cơ cao như, bệnh viện, chợ, trường học, công trường xây dựng… tới các ngõ xóm.
Việc phun thuốc phòng sốt xuất huyết không kể đêm ngày. Các máy áp lực lớn được chuyên chở bằng ô tô đi phun dọc các tuyến đường lớn vào ban đêm, khi không có người lưu thông trên đường và việc phun thuốc được thuận lợi.
Ban ngày, đội ngũ phòng chống dịch tiến hành phun tại các hộ dân bằng máy phun áp lực nhỏ, máy đeo vai để có thể tiếp cận từng ngóc ngách trên địa bàn.
Không chỉ có sự nỗ lực của riêng ngành y tế Thủ đô, để đáp ứng đủ lượng máy phun thuốc muỗi, Bộ Y tế đã yêu cầu hơn 20 tỉnh thành phố lân cận hỗ trợ máy cho Hà Nội.
Bộ Y tế cũng đã cấp thêm cho Hà Nội 30 máy phun đeo vai và 300 lít hóa chất Hantox-200. Với lượng máy này, Hà Nội tổ chức chiến dịch diệt muỗi tổng lực, quy mô lớn trên các địa bàn đang ở mức báo động về sốt xuất huyết.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thuốc phun diệt muỗi mà Bộ Y tế đang cho các tỉnh cũng như Hà Nội sử dụng thuộc nhóm có gốc Pyrethrine – thuốc thế hệ mới nhất, đã qua thử nghiệm ở cả 3 miền và cho kết quả an toàn. Các nước trên thế giới cũng đang sử dụng thuốc này.
Nhìn chung, công tác phun phòng sốt xuất huyết được thực hiện một cách quyết liệt. Thế nhưng, vì sao dịch sốt xuất huyết ở những điểm nóng như Hà Nội vẫn chưa được đẩy lùi?
Tìm hiểu nguyên nhân này, chúng tôi được biết một thực tế: Muỗi gây bệnh có giảm nhiều nhưng các ổ loăng quăng, bọ gậy vẫn tràn lan ở khắp nơi.
Và việc phun thuốc chỉ diệt được muỗi, chứ không diệt được loăng quăng, bọ gậy. Vì thế, ở không ít gia đình có hiện tượng, vừa phun thuốc mấy hôm trước, đã lại thấy muỗi bay.
Đơn cử như đợt kiểm tra công tác phòng sốt xuất huyết trên địa bàn quận Tây Hồ ngày 20/8, đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều ổ bọ gậy tại các gia đình, trong các vật dụng chứa nước ít ai nghĩ tới như bình hoa trồng cây thủy tiên, thùng xốp trồng rau, khay hứng nước đọng của tủ lạnh…
Thậm chí, ở hầu hết các hộ gia đình được kiểm tra, đều phát hiện có ổ loăng quăn, bọ gậy. Vì thế dù các hộ gia đình ở đây đều đã phun thuốc diệt muỗi cách đây hơn 1 tuần lễ, muỗi vẫn lại nhanh chóng sinh sôi.
Ở các khu vực khác, nhất là vùng ven và ngoại thành, nơi các nhà vệ sinh ngoài trời còn phổ biến, qua quan sát, các bể chứa nước vệ sinh ít được cọ rửa; các vật dụng múc nước không được úp lại sau khi sử dụng tạo môi trường thuận lợi cho muỗi phát triển. Chính vì thế, trong bể nước có rất nhiều bọ gây sinh sống.
Như vậy, có thể thấy, việc chủ động tham gia diệt loăng quăng, bọ gậy của một bộ phận người dân chưa hiệu quả. Đó cũng là nguyên nhân chính lý giải cho việc phun thuốc muỗi nhiều mà dịch bệnh chưa hạ nhiệt.
Trước thực trạng này, tại các cuộc kiểm tra, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: “Việc phun hóa chất diệt muỗi chỉ tiêu diệt được muỗi vằn trưởng thành, còn diệt loăng quăng, bọ gây cần sự chủ động của người dân. Nếu chỉ tập trung phun thuốc muỗi mà không diệt lăng quăng, bọ gậy thì chỉ 1-2 tuần lại xuất hiện muỗi mới.