Mối (Isoptera) là một trong những nhóm sinh vật đất giữ vai trò quan trọng của chu trình chuyển hóa vật chất các hệ sinh thái tự nhiên. Bên cạnh đó, mối cũng được xem là một trong những côn trùng gây hại đáng kể đối với cây trồng, đê đập và công trình kiến trúc ở hầu hết các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, trong đó có Việt Nam.
Thành phần loài mối trên đập hồ chứa nước
Kết quả điều tra ở 15 đập hồ chứa nước thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện được 23 loài thuộc 11 giống của 6 phân họ trong 2 họ mối. Cụ thể, giống Odontotermes có 5 loài; giống Hypotermes và Pericapritermes đều có 3 loài; giống Coptotermes, Macrotermes, Microtermes và Nasutitermes cũng đều có 2 loài; các giống còn lại chỉ có 1 loài. Kết quả này đã bổ sung cho thành phần loài mối của đập hồ chứa nước Tây Nguyên thêm 8 loài. Kết quả điều tra của chúng tôi đã ghi nhận các loài phổ biến thường gặp là Mi. pakistanicus và M. gilvus, chúng có mặt ở 14/15 đập; O. ceylonicus, có mặt ở 13/15 đập và M. annandalei, có mặt ở 10/15 đập. Trái lại, các loài Mi. incertoides, O. formosanus, Na. matangensis và Na. ovatus chỉ mới phát hiện thấy ở 1/15 đập nghiên cứu.
Loài gây hại chính trên đập hồ chứa nước
Căn cứ tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 8227:2009 và thực tế khảo sát, chúng tôi nhận thấy trong số 23 loài mối đã phát hiện trên các đập hồ chứa nước ở Tây Nguyên có 10 loài được xem là mối hại đập hồ chứa nước. Trong số những loài mối gây hại đập hồ chứa nước, phổ biến và thường gặp nhất, chỉ có 2 loài thuộc giống Macrotermes là M. gilvus và M. annandalei và 1 loài của giống Odontotermes là O. ceylonicus. Như vậy, có thể cho rằng 3 loài Macrotermes gilvus , M. annandalei và O. ceylonicus là những loài gây hại chính cho những đập hồ chứa nước ở Tây Nguyên. Ngoài ra, để đánh giá mức độ gây hại nghiêm trọng đến an toàn của đập hồ chứa nước còn cần xem xét đến mật độ tổ của 10 loài mối gây hại (số lượng tổ/ 100m chiều dài thân đập) và kích cỡ tổ mối của từng loài.
Kết quả trình bày ở hình 3.9 cho thấy trong số 15 đập hồ chứa nước, có tới 7 đập mật độ tổ mối đạt tương đối cao (từ 49 đến 81 tổ) và 4 đập có mật độ tổ tương đối ít (từ 10 đến 20 tổ).
Kết quả khảo sát trên thực địa của các đập hồ chứa nước ở Tây Nguyên đã cung cấp một số dẫn liệu để khẳng định 3 loài mối M. gilvus, M. annandalei và O. ceylonicus là những loài gây hại nghiêm trọng. Cụ thể, số tổ của 3 loài này chiếm tới 86,3% trong tổng số tổ của các loài mối hại ở 15 đập hồ chứa nước. Loài M. gilvus và O. ceylonicus phân bố ở 14 trong 15 đập hồ chứa nước, với tổng số tổ tương ứng là 873 và 522 tổ. Ở đập hồ chứa nước Eakao, với chiều dài khoảng 2.500m đã phát hiện có 259 tổ, trong đó có tới 184 tổ mối M. gilvus (đạt 71%). Ở đập hồ chứa nước Đơn Dương, dài 1.040m cũng có 111 tổ mối M. gilvus trong tổng số 177 tổ được phát hiện (chiếm 62,7%). Loài M. annandalei có mặt ở 10 trong số 15 đập hồ chứa nước và số lượng tổ tương đối cao (308 tổ). Ở đập hồ chứa nước Eakar, dài 360m, tuy không có tổ M. gilvus, nhưng có tới 78 tổ M. annandalei và 76 tổ O. ceylonicus, chiếm 88% tổng số tổ mối phát hiện trên đập này.
Một số đặc điểm sinh học, sinh thái học các loài gây hại chính
Loài Macrotermes gilvus
Loài Macrotermes gilvus làm tổ nổi, có kích thước rất lớn, có thể tới 10m và cao 5m. Khi đi kiếm ăn chúng thường đắp đường mui kín, có thể khai thác thức ăn lộ thiên trên lá cây ở mặt đất và cũng ưa khai thác các khúc gỗ ải hay tấn công cây sống.
Loài Macrotermes annandalei
Loài M. annandalei cũng làm tổ nổi, và có hình dạng tổ tương tự với loài M. gilvus. Phía dưới đáy tổ của loài này có nhiều hang giao thông đi sâu và đi ngang xuống lòng đất, tạo hiểm họa cho thân đập.
Loài Odontotermes ceylonicus
Loài O. ceylonicus làm tổ chìm trong đất, có khi đến 1,25m. Loài mối này thường ăn lá cây khô, cành khô, ngoài ra chúng còn thích ăn gỗ ải.
Kết quả thử nghiệm biện pháp phòng trừ mối hại đập hồ chứa nước
Kết quả phòng trừ mối Macrotermes annandalei bằng bả độc
Kết quả ở bảng 3.4 cho thấy sau 2 giờ mối đã khai thác bả (bả mất đi 10%); sau 4 giờ lượng bả bị mối ăn chiếm tới 60% và sau 6 giờ, hầu như mối đã ăn hết 5 thanh bả đưa vào tổ. Điều đó chứng tỏ mối M. annandalei không từ chối bả độc BDM 08.
Sau khi biết được mối M. annandalei có thể khai thác bả độc, chúng tôi tiếp tục thí nghiệm để xem xét hiệu lực của bả độc đối với loài mối này.
Kết quả bảng 3.5 cho thấy, 6 ngày đầu đàn mối vẫn khỏe mạnh; đến ngày thứ 8 mối có yếu đi, trong tổ xuất hiện mùi lạ và đến ngày thứ 10 đã có hiện tượng mối chết, số lượng mối giảm đi rõ rệt, mùi lạ trong tổ rõ hơn. Đến ngày thứ 12 thì cả 6 tổ không thấy có mối sống hoạt động.
Như vậy, có thể thấy bả độc BDM 08 có tác dụng diệt tổ mối M. annandalei trong khoảng 12 ngày kể từ sau khi cho bả vào tổ mối.
Trên cơ sở kết quả thực nghiệm thu được và những hiểu biết về sinh học loài M. annandalei, chúng tôi lựa chọn liều lượng bả độc BDM 08 sử dụng để xử lý các tổ mối M. annandalei có các kích cỡ tổ khác nhau.
Kết quả ở bảng 3.6 cho thấy các tổ mối trong thử nghiệm đều bị tiêu diệt ở liều lượng chúng tôi đã lựa chọn sau 2 tuần. Có điều cần lưu ý, do thời gian có hạn và điều kiện hách quan khác, cần bố trí thêm thí nghiệm để lựa chọn mức đliều lượng bả độc chính xác hơn.
Đề xuất quy trình xử lý phòng trừ mối hại đập hồ chứa nước
Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu sinh học, sinh thái học các loài mối hại đập và kiến thức tích lũy được qua thực tiễn xử lý phòng trừ mối hại đập; căn cứ theo tiêu chuẩn ngành 14 TCN 8893; 14 TCN 182:2006 và tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 8227 : 2009, chúng tôi đề xuất quy trình xử lý và phòng trừ mối hại đập hồ chứa nước ở Tây Nguyên theo các bước sau:
Bước 1 : Điều tra xác định vị trí và trạng thái tổ mối
Nội dung chính của công đoạn này là điều tra, xác định loài mối hại đập; khoanh vùng khu vực có tổ mối. Nên kết hợp điều tra theo tuyến và điều tra ngẫu nhiên, thu mẫu mối, định loại, xác định những loài mối hại đập.
Bước 2 : Xử lý tổ mối
Đối với những tổ mối ở trên thân đập, khoan vào tâm tổ, sau đó dung thiết bị nén khí phụt thuốc diệt mối. Đối với tổ mối nổi thì khoan lỗ vào tổ mối để đặt bả diệt mối.
Bước 3 : Lấp bịt tổ mối
Dùng thiết bị nén khí để phụt vữa sét lấp bịt các khoang tổ và hang giao thông của tổ mối.
CÔNG TY DIỆT MỐI HÙNG THỊNH – DỊCH VỤ DIỆT MỐI CHUYÊN NGHIỆP