Dietmoitoanquoc.com – Quá trình giao phối giữa hai loài chuột tách biệt nhau 1,5 triệu năm về mặt tiến hóa đã tạo ra một loài chuột lai có khả năng đề kháng với thuốc diệt chuột
Nhóm nghiên cứu của TS Michael Kohn (Đại học Rice, Mỹ) đã phát hiện ra vấn đề đáng lo ngại này khi họ được yêu cầu xem xét những con chuột kỳ lạ bắt được ở một cơ sở sản xuất bánh ngọt tại Đức. Những con chuột này, dù đã ăn đẫy mồi có tẩm thuốc diệt chuột bromadiolone (có độc tính mạnh hơn rất nhiều so với thuốc diệt chuột warfarin truyền thống), nhưng vẫn sống khỏe và hoành hành dữ dội.
Khi phân tích các mẫu vật, nhóm nghiên cứu nhận thấy, một đoạn ADN của những con chuột Đức giống hệt ADN của một loài chuột sống ở sa mạc và chuyên ăn hạt ở Algeria. Đây là loài chuột có khả năng đề kháng với warfarin nhờ hiện tượng đột biến điểm xảy ra trong quá trình tiến hóa. Hiện tượng này nhằm giúp chuột thích nghi với chế độ ăn thiếu vitamin K, nhưng do warfarin là hóa chất có tác dụng bất hoạt vitamin K, nên nó đồng thời cũng giúp chuột đề kháng với loại thuốc diệt chuột mà con người đã sử dụng từ cách đây hơn nửa thế kỷ.
Con người là bà mối
Loài chuột châu Âu ở Đức và chuột Algeria có tập tính khác xa nhau. Chuột châu Âu hung dữ hơn và thích sống trong nhà, còn chuột Algeria lành hơn và thích sống ngoài tự nhiên. Chúng tách biệt nhau từ khoảng 1,5 triệu năm trước và chưa bao giờ gặp gỡ giao phối cho đến khi có sự tác động vô tình của con người.
Chính chúng ta, trong quá trình phát triển đô thị và giao thông vận tải đã đưa hai loài này đến với nhau. Quá trình giao phối của chúng đã dẫn đến hiện tượng chuyển gen ngang, giúp chuột châu Âu nhận được các gen đột biến quý giá, giúp chúng sống khỏe ngay cả khi ăn phải thuốc diệt chuột. Theo phân tích của các nhà khoa học, hiện tượng này mới chỉ diễn ra trong khoảng 20 năm trở lại đây và vẫn còn tiếp diễn.
Do tách biệt quá xa về mặt tiến hóa, con lai sinh ra khi chuột châu Âu và chuột Algeria giao phối thường gặp nhiều vấn đề về thể chất và một nửa trong số này không có khả năng sinh sản. Nhưng bù lại, chúng có khả năng đề kháng rất mạnh với thuốc diệt chuột. Tỷ lệ chết do bromadiolone (còn gọi là siêu warfarin) ở chuột nhà bình thường là 85%, nhưng với chuột lai, con số này chỉ còn là 9%.
Cũng theo Michael Kohn, quá trình lai giống giữa nhiều loài vật trước kia chưa từng giao phối với nhau trong tự nhiên đang diễn ra ngày càng phố biến do tác động của con người. Một ví dụ tiêu biểu là việc phát hiện con lai giữa gấu xám Bắc Mỹ và gấu Bắc cực ở Alaska khi hai loài này di cư do biến đổi khí hậu và gặp nhau. Các loài con lai có thể mang những đặc tính di truyền rất khác biệt so với loài thuần chủng, và những đặc tính này ảnh hưởng như thế nào đến hệ sinh thái là điều mà các nhà khoa học chưa hiểu rõ. Con người cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của các loài gây hại như chuột, muỗi và nhiều côn trùng kháng thuốc khác bằng việc sử dụng bừa bãi các hóa chất để tiêu diệt chúng.
Thu Thủy (Theo Discovery và Live Science)