Một phát minh của Mỹ gần đây đã chứng minh các trạm bẫy chứa những thanh gỗ bạch đàn có thể phòng trừ và tiêu diệt tất cả các loại mối, đặc biệt là loài Coptotemes và khoảng 200 loài khác xuất hiện nhiều ở vùng khí hậu nhiệt đới.
Mối là loài côn trùng có tính xã hội cao, sống thành quần thể. Chúng làm tổ ở gốc cây, trong lòng đất và ăn chất xenlulo. Trong quá trình sinh trưởng, mối trở thành tác nhân gây sụt lún nhiều công trình xây dựng kiên cố, đê đập, phá hủy các cấu kiện gỗ, nội thất trong nhà ở…
Các nhà khoa học đã nghiên cứu công nghệ Exterra, bắt nguồn từ tập tính xã hội của loài mối. |
Việt Nam hiện nay có khoảng 100 loài mối và tác hại của chúng đối với các công trình mang giá trị kinh tế, văn hóa là rất lớn. Phương pháp diệt mối thường sử dụng nhất hiện nay là dùng hóa chất phun tẩm nền móng trước khi xây dựng hoặc rắc, phun trực tiếp vào tổ mối, song qua thời gian, cách này đã tỏ ra kém hiệu quả. Các tổ mối khó bị tiêu diệt hoàn toàn mà còn để lại hậu quả cho môi trường xung quanh từ dư lượng hóa chất tồn đọng.
Theo đó, các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công phương thức mới để loại trừ mối mà có thể khắc phục được hai yếu điểm nói trên. Phương pháp này được gọi là hệ thống kiểm soát và bẫy mối Exterra, nghiên cứu bắt nguồn từ tập tính xã hội của loài mối.
Exterra là một hệ thống kiểm soát và bẫy mối một cách triệt để. Với đường kính 30 cm, đây được coi như trạm có kích thước lớn nhất, đem lại hiệu quả trong việc thu hút mối. Hệ thống các trạm Exterra trong lòng đất xung quanh khu vực cần ngăn chặn và diệt trừ mối, tạo thành hàng rào bảo vệ từ bên ngoài cho công trình, ngăn ngừa mối trước khi chúng tiếp cận được với tài sản cần bảo vệ. Bên trong các trạm bẫy này chứa những thanh gỗ bạch đàn không gây độc hại cho con người và môi trường xung quanh.
Ngoài ra, chúng còn có thêm một chất dẫn dụ mối được cấp bằng sáng chế tại Mỹ, hiệu quả với 100% thành phần nguồn gốc thực vật. Một ưu điểm khác của hệ thống này là hiệu quả kiểm soát lâu dài, có thể nói là vĩnh viễn chừng nào hệ thống còn được thiết lập tại công trình.
Nhờ những ưu việt trên, hiện nay, tại các châu lục chịu ảnh hưởng nhiều bởi sự tấn công của mối như châu Mỹ, Australia và Đông Nam Á đã ứng dụng công nghệ kiểm soát mối Exterra để xử lý các công trình, nhà ở bị mối xâm nhập và phá hoại. Công trình kiên cố có nguy cơ bị sụt lún vì mối như quần thể đền Ăngkor Wat của đất nước Campuchia là một ví dụ.
Những tổ mối hình thành và phát triển qua một thời gian dài dưới lòng đất đã âm thầm gây sụt lún dần quần thể kiến trúc sa thạch tinh xảo và kiên cố hàng trăm năm này. Hệ thống Exterra đã được sử dụng ở đây để ngăn chặn sự phá hoại của tổ mối. Cùng với Angkor Wat, nhiều công trình đã ứng dụng công nghệ này, như Hãng phim Warner Bros Movie World, Dream World (Mỹ), Cảng Darling Harbour (Australia), Khu vui chơi giải trí Disneyland (Hồng Kông), khách sạn cao cấp Dusit Palace (Thái Lan)…
Tại Việt Nam, công nghệ Exterra bắt đầu được phân phối. Các công trình có giá trị kinh tế, văn hóa lớn như Lăng Tự Đức (Huế), thủy điện Ea Krông Rou (Khánh Hòa); các khu khách sạn, nghỉ dưỡng cao cấp như Vinpearl Resort (Nha Trang), Crowne Plaza Resort (Đà Nẵng), chùa Thiên Đức (Hội An)… đã bắt đầu chọn hệ thống này để bảo vệ kiến trúc công trình của mình.
Phương Thảo