Các biện pháp phòng chống động vật chân đốt
Trong thời gian qua, các loại động vật chân đốt đã gây ra nhiều dịch bệnh quan trọng làm ảnh hưởng đến sức khỏe, kể cả tính mạng của con người. Hiện nay, do có những sự biến đổi về khí hậu, thời tiết, môi trường, hoàn cảnh sống… nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho một số loài động vật chân đốt phát triển để gây bệnh. Các biện pháp phòng, chống chúng phải cần được đặt ra để chủ động thực hiện, khống chế.
Để phòng, chống các loại động vật chân đốt gây phiền hà cho sinh hoạt của con người cũng như có khả năng lây truyền một số dịch bệnh. Cần phải bảo đảm một số biện pháp chung và phương pháp cụ thể.
Biện pháp chung
Các biện pháp chung nên tổ chức thực hiện phối hợp một cách đồng bộ và nên lựa chọn biện pháp ưu tiên phù hợp với tình hình thực tiễn của từng thời điểm, từng địa phương.
– Biện pháp cơ học, lý học được thực hiện nhằm phá bỏ những ổ động vật chân đốt, thay đổi môi trường làm mất nơi trú ẩn hoặc nơi sinh đẻ của chúng. Đối với các loại động vật chân đốt có thể bắt, đập, bẫy, quạt, hun khói, xua đuổi, cách ly… không cho tiếp xúc với người. Biện pháp này thực hiện đơn giản, dễ làm nhưng muốn đạt được hiệu quả cao phải vận động cộng đồng người dân tích cực tham gia nên cần tốn nhiều công sức.
– Biện pháp hóa học thực hiện bằng cách dùng các hóa chất có hiệu lực để diệt động vật chân đốt khi chúng tiếp xúc hoặc ăn các hóa chất đó. Cần phải tính toán, cân nhắc việc lựa chọn các loại hóa chất sử dụng phù hợp, cách thức sử dụng, không tạo điều kiện để động vật chân đốt kháng hóa chất, không gây độc hại hay ô nhiễm môi trường sống.
– Biện pháp sinh học là phương pháp sử dụng kẻ thù tự nhiên của động vật chân đốt để tiêu diệt chúng hoặc làm giảm thiểu mật độ động vật chân đốt gây hại như dùng kiến để diệt rệp, dùng cá ăn bọ gậy muỗi… Ngoài ra, có thể dùng phương pháp tiệt sinh bằng cách sử dụng những kỹ thuật để làm giảm sức sinh sản của động vật chân đốt hay làm biến đổi cấu trúc di truyền của động vật chân đốt. Phương pháp này có ưu điểm là có thể diệt được động vật chân đốt mà không gây độc hại cho người và làm ô nhiễm môi trường.
Phương pháp cụ thể
Do có nhiều loại động vật chân đốt truyền bệnh khác nhau nên không thể tiến hành cùng một lúc các phương phòng, chống tất cả mọi loại động vật chân đốt. Cần phải căn cứ theo yêu cầu, khả năng thực hiện để xây dựng kế hoạch phòng, chống động vật chân đốt có trọng tâm, trọng điểm. Đối với từng loại động vật chân đốt, phải căn cứ vào đặc điểm sinh lý, sinh thái và vai trò truyền bệnh để áp dụng các biện pháp phù hợp, khác nhau để phòng chống một cách có hiệu quả và toàn diện. Ba phương pháp cơ học-lý học, hóa học và sinh học cần được thực hiện cụ thể như sau:
Phương pháp cơ học-lý học
Bắt và tiêu diệt các loại côn trùng trung gian truyền bệnh, cải tạo môi trường để làm phá vỡ các mắc xích trong vòng đời sinh học của chúng, hạn chế điều kiện phát triển, bất lợi cho loại động vật chân đốt tồn tại và truyền bệnh. Phương pháp này không gây độc hại, làm ô nhiễm môi trường.
Phá bỏ những ổ động vật chân đốt, cải tạo, thay đổi môi trường làm mất nơi trú ẩn, nơi sinh đẻ của chúng; khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, phá hủy nơi sinh sản, cư trú của động vật chân đốt.
Đối với các loại chân đốt trưởng thành, có thể bắt, đập, bẫy, hun khói, xua đuổi, cách ly… không cho tiếp xúc với người. Phương pháp này đơn giản, dễ thực hiện nhưng muốn đạt hiệu quả cao thì mọi người cần phải tham gia và mất nhiều công sức.
Phương pháp hóa học
Nguyên lý của phương pháp này là dùng các loại hóa chất độc hại để diệt động vật chân đốt khi chúng tiếp xúc hoặc ăn phải hóa chất độc. Có thể sử dụng các loại hóa chất có mùi đặc biệt để xua đuổi, làm cho côn trùng sợ và không dán tấn công vào vật chủ.
Cần lựa chọn hóa chất, kỹ thuật sử dụng một cách hiệu quả, an toàn và hợp lý; không tạo điều kiện cho động vật chân đốt kháng lại hóa chất và không gây ô nhiễm môi trường do các loại hóa chất độc hại. Phương pháp này có tác dụng nhanh ở trên phạm vi can thiệp rộng. Các loại hóa chất được khuyến cáo sử dụng bao gồm nhóm hóa chất xua và nhóm hóa chất diệt.
Nhóm hóa chất xua thường sử dụng những loại có mùi đặc biệt để xoa lên những chỗ da hở hoăc tẩm vào màn ngủ, tấm rèm, tấm lưới, quần áo… Hóa chất có tác dụng xua đuổi, làm cho côn trùng sợ và phải bỏ đi. Nhiều loại hóa chất xua côn trùng có tác dụng tốt như tinh dầu sả, DEP (diethyl phtalat), DMP (dimethyl phtalat), DEET (N,N Diethyl meta toluamide)…
Nhóm hóa chất diệt bao gồm các loại hóa chất khác nhau như nhóm vô cơ, nhóm chlor hữu cơ, nhóm lân hữu cơ, nhóm carbamat và nhóm pyrethroid.
Nhóm hóa chất vô cơ gồm xanh Paris, acetoarseniat đồng… Các hóa chất này thường được thả xuống nước để diệt ấu trùng động vật chân đốt sống ở dưới nước.
Nhóm hóa chất chlor hữu cơ gồm dichloro diphenyl trichloroetan (DDT) hoặc hexachlorocychlorohexan (HCH, 666), methoxychlor… Các hóa chất này được sử dụng từ lâu để diệt côn trùng trưởng thành, chúng có khả năng diệt tồn lưu lâu nhưng có nhược điểm gây độc cho người và động vật nuôi cũng như làm ô nhiễm môi trường.
Nhóm lân hữu cơ gồm malathion, fenthion, dichlorodivinylphosphat (DDVP)… Các hóa chất này có tác dụng diệt động vật chân đốt nhanh nên thường được sử dụng khi cần dập tắt nhanh các ổ dịch. Hóa chất có khả năng tồn lưu diệt ngắn, thường chỉ từ 15 ngày đến 3 tháng. Chúng rất độc đối với người và động vật nên khi sử dụng cần đề phòng sự nhiễm độc.
Nhóm carbamat gồm những hóa chất kháng enzym cholinesterase, thường dùng để diệt bọ gậy muỗi. Chúng có khả nang tồn lưu diệt lâu nhưng giá thành lại đắt nên ít khi được sử dụng.
Nhóm pyrethroid gồm pyrethrin tự nhiên, là những chất chiết suất từ cây thuộc họ cúc, chi Chrysanthenum. Ngoài ra còn có các pyrethroid tổng hợp như permethrin, deltamethrin, lambdacyhalothrin (Icon), trebon… Các hóa chất thuộc nhóm này có tác dụng tốt trong khả năng diệt động vật chân đốt, ít độc hại đối với người và động vật; có hệ số an toàn cao và ít gây ô nhiễm môi trường.
Cách sử dụng các loại hóa chất tùy thuộc vào đặc tính lý học, hóa học và độ an toàn của hóa chất để dùng dưới các dạng như phun tồn lưu, phun sương mù, phun dạng khói, tẩm vào màn ngủ, tấm rèm hoặc quần áo. Dù dùng dưới bất cứ dạng nào cũng phải bảo đảm yêu cầu diệt được động vật chân đốt nhưng không gây độc hại cho người và động vật nuôi, không làm ô nhiễm môi trường.
Để tránh hiện tượng các loại động vật chân đốt kháng lại hóa chất, cần sử dụng chúng đúng mục đích, đúng kỹ thuật, không để dư thừa, có sự kiểm soát và cần thường xuyên theo dõi mức độ kháng hóa chất để kịp thời thay đổi hóa chất hoặc phối hợp với các biện pháp khác. Việc tăng liều lượng hóa chất rất ít khi được sử dụng vì chúng có thể gây độc hại cho người và các loại động vật.
Phương pháp sinh học
Sử dụng kẻ thù tự nhiên của động vật chân đốt để tiêu diệt chúng hoặc làm giảm mật độ hoạt động của động vật chân đốt gây hại như dùng kiến để diệt rệp, dùng cá để ăn bọ gậy muối, dùng ấu trùng Toxorhychites hoặc Culex ăn ấu trùng của muỗi khác… Ngoài ra, có thể dùng một số loại virus, vi khuẩn, nấm để diệt muỗi hoặc bọ gậy muỗi.
Phương pháp tiệt sinh là phương pháp sử dụng những kỹ thuật làm giảm sức sinh sản của côn trùng gây hại hay làm biến đổi cấu trúc di truyền của động vật chân đốt. Có thể dùng kỹ thuật làm vô sinh con đực bằng hóa chất hoặc tia X, γ hay β; cũng có thể vô sinh bằng phương pháp lai ghép tạo con lai thế hệ F1 vô sinh rồi thả vào thiên nhiên. Những con côn trùng đực vô sinh này sẽ có khả năng giao phối cạnh tranh với quần thể côn trùng ngoài tự nhiên để sinh ra thế hệ lai không có khả năng sinh sản hoặc mất khả năng truyền bệnh. Phương pháp này có thể tiêu diệt được một loài động vật chân đốt, không gây đọc hại cho người và động vật nuôi, không gây ô nhiễm môi trường. Tuy vậy, để thực hiện được phương pháp phải cần một thời gian dài và thực hiện ở một khu vực biệt lập để động vật chân đốt ở các khu vực chung quanh không di chuyển tới.
Khuyến nghị
Động vật chân đốt là các loại động vật không có xương sống, có số lượng thành phần loài rất lớn, theo ước tính khoảng trên 1 triệu loài khác nhau. Chúng sống ở đất, nước hoặc bay nhảy tự do trong không gian và có mặt ở khắp nơi trên trái đất. Chúng có đời sống tự do hoặc đời sống ký sinh. Những loại động vật chân đốt có vai trò đối với y học phần lớn là những loại ngoại ký sinh trùng hút máu, trừ loài ruồi nhà và gián nhà. Chúng có khả năng truyền bệnh và gây bệnh. Vai trò chủ yếu của các loại động vật chân đốt là truyền bệnh, vai trò gây bệnh mặc dù chỉ là thứ yếu nhưng đôi khi cũng có khả năng gây ra những nguy hiểm đến tính mạnh của con người. Vì vậy, việc phòng, chống các động vật chân đốt cần phải được thực hiện một cách có hiệu quả bằng những biện pháp chung và phương pháp cụ thể theo điều kiện của từng quốc gia, từng khu vực và từng địa phương để bảo đảm yêu cầu làm giảm thiểu các tác hại do loại động vật chân đốt có khả năng truyền bệnh và gây bệnh.
Ngày 22/02/2011
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh
Công ty TNHH MTV DV Hùng Thịnh
LH: 0903 977 081