Đánh giá:
5/5

Loài chuột đá Lào được giới khoa học về động vật trên thế giới kết luận đã bị tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm, nay vẫn… còn sống và rất gần gũi với bà con tộc người Rục ở một bản nhỏ phía Tây Quảng Bình.
Khẳng định điều này là Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) và một nhóm chuyên gia điều tra về đa dạng sinh học của Việt Nam khi họ đã phát hiện loài này tại khu vực rừng ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) thuộc Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.
Khu vực núi đá vôi – nơi mà bà con tộc người Rục vẫn thường bẫy được chuột đá Lào.

“Dân bản ăn thịt nó mãi”

“Khắp vùng núi đá vôi của Phong Nha – Kẻ Bàng chỉ mới nghe và thấy ở vùng rừng gần bản Ón là có kà-nệ-khụng. Nơi khác thì e không có hay người ta không sống trong hang hoặc gặp mà không để ý nên chưa biết đó” – Trưởng bản Ón, ông Trần Xuân Tư cho biết.
Chúng tôi lên phân khu rừng thuộc xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, thuộc 20.000ha rừng mở rộng cho vùng quy hoạch của Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng – nơi mà các nhà khoa học khẳng định đã tìm thấy loài chuột được cho là tuyệt chủng 11 triệu năm trước.

Một cán bộ UBND huyện Minh Hóa tiết lộ: “Khu vực rừng ấy hiện vẫn chưa có cuộc điều tra sinh học nào đáng kể nhưng nó đang bị đe dọa bởi “cuộc chiến” giữa kiểm lâm và lâm tặc chưa có hồi kết. Người vào rừng này chủ yếu vẫn là bà con đồng bào dân tộc Rục sống xung quanh với các hoạt động mưu sinh”.

Vào bản Ón, xã Thượng Hóa – một trong những khu dân cư gần khu vực rừng này nhất – chúng tôi đưa ảnh loài chuột đá Lào này cho trưởng bản Trần Xuân Tư và hỏi có biết con gì không. Vị trưởng bản này cứ cười khà khà: “Tưởng con chi lạ. Chứ con này thì đi bẫy về, bản miềng (mình – PV) ăn thịt nó mãi. Con kà-nệ-khụng đây mà. Miềng gặp nhiều lắm! Con nào cũng đen như than nhưng lông muợt và bóng lắm. Đuôi dài hơn một gang tay. Tai dài hơn đốt ngón tay. Lông chân nó mọc cũng dày và móng nhọn như con mèo”.

Thì ra chuột đá Lào rất quen thuộc với tộc người Rục và họ gọi nó là con kà-nệ-khụng. Trưởng bản Tư dẫn chúng tôi đi khắp bản như để chứng minh. Anh Tư kể, đồng bào Rục của anh trước đây sống tách biệt với con người bên ngoài. Bà con sống du canh du cư và ở trong các hang đá thuộc dãy núi đá vôi trên khu vực rừng này cho đến khi được lực lượng Biên phòng phát hiện và vận động ra ngoài làm nhà, tái định cư. Trong bữa ăn hàng ngày của họ thỉnh thoảng có thịt kà-nệ-khụng.

Chúng tôi đến nhà một người chuyên bẫy kà-nệ-khụng và thuộc hàng giỏi nhất nhì bản Ón – anh Cao Xuân Tiến (42 tuổi). Đã từng lớn lên trong hang đá nên chuyện bẫy, bắt loài vật này anh rành lắm. Anh Tiến cho biết, kà-nệ-khụng không nhanh nhẹn như con chuột thường nên chỉ sống và tìm thức ăn quanh hang trú ngụ. Chúng hoạt động nhiều nhất vào mùa mưa dông (tháng 6 đến tháng 9 âm lịch) và chỉ xuất hiện vào buổi đêm.

Vào mùa, anh Tiến đặt cả mấy chục cái bẫy treo tự chế để bắt kà-nệ-khụng. Qua lời kể của bà con ở bản Ón, loài này có bản tính rất hiền, tuy có phần hơi chậm nhưng sống sạch sẽ và khôn hơn chuột thường nhiều, hễ đánh hơi thấy mùi con người là không bao giờ nó đến nữa. Có khi còn bỏ hang vượt lên nơi cao hơn để lẩn tránh. “Trước đây, bẫy được thường dùng để ăn nhưng chừ kà-nệ-khụng còn sống vẫn đem bán được nên dùng bẫy treo để khỏi làm nó chết khi dính bẫy” – anh cho hay.

Rồi anh Tiến dẫn chúng tôi leo lên một ngọn núi đá vôi, nơi anh đặt các bẫy treo trước cửa hang kà-nệ-khụng. Bẫy được làm rất đơn giản. Một ngọn cây nhỏ dài chưa đầy sải tay người, có độ uốn và độ bật mạnh cắm thẳng xuống đất. Phía ngọn cột, một sợi dây làm vòng rút sẵn và néo xuống sát đất – chỗ chốt gạt nhỏ được chắn giữ bằng hai thanh tre tí tẹo. Chỉ cần kà-nệ-khụng đụng nhẹ vào là chốt gạt đã trật khỏi 2 thanh tre và bật lên theo ngọn cây nhỏ, thắt vòng lại buộc chặt lấy thân nó ngay.

Anh Tiến cho biết: “Mỗi con miềng thường bẫy được nặng gần nửa cân. Kà-nệ-khụng ăn không ngon lắm vì thịt mềm, lại có mùi hơi hơi khó ngửi. Ngon nhất là kiểu nấu món giả thịt cầy (nấu chung với ruốc, sả, ớt, riềng…) và nhắm rượu mà trai bản vẫn hay đi bẫy về nhậu”.
Anh Cao Xuân Tiến bên cạnh chiếc bẫy kà-nệ-khụng trên hang đá.

Giới khoa học ngỡ ngàng

Chuột đá Lào theo tên gọi tiếng Lào là kha-nyou (tên khoa học: Laonastes aenigmamus) – một loài gặm nhấm cư trú thuộc khu vực miền Khammouan của nước Lào. Lần đầu tiên vào năm 2005, một bài báo ký bút danh Paulina Jenkins đã miêu tả về nó. Rồi một số người khác cũng nghĩ rằng động vật này có tính chất khác biệt với các loài gặm nhấm đang sống nên cần đặt nó vào một họ mới, gọi là Laonastidae.

Nhưng năm 2006, cách phân loại này đã bị Mary Dawson và một số người khác bác bỏ vì cho rằng nó thuộc về họ hóa thạch cổ diatomyidae. Do vậy, loài này tiêu biểu cho đơn vị phân loại lazarus.Và các nhà khoa học của Bảo tàng Tự nhiên khoa học Mỹ từng phát hiện mẫu hoá thạch của nó. Qua phân tích khoa học bằng việc đo xương, răng, xác định ADN…, người ta xác định và khẳng định, đây là mẫu hoá thạch của 11 triệu năm về trước và loài này đã tuyệt chủng cách đây tương ứng chừng ấy thời gian.

Nhưng tháng 9/2011, Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) cùng nhóm chuyên gia điều tra đa dạng sinh học của Việt Nam đã tuyên bố phát hiện loài này tại Phong Nha – Kẻ Bàng và chụp lại hình ảnh về nó. Thông tin này đang khiến giới khoa học giật mình ngỡ ngàng.

Và tại bản Ón – nơi phát hiện ra chuột đá Lào, người ta rất quen thuộc và thường gọi nó là kà-nệ-khụng. Thời gian này, bà con ở bản này rất lấy làm lạ vì các nhà khoa học tìm về và nghiên cứu kà-nệ-khụng. Nhiều lần trai tráng trong bản đã dẫn các nhà nghiên cứu vào rừng tìm và bẫy loài vật này.

Chuột đá Lào được cho là tuyệt chủng 11 triệu năm trước được phát hiện tại bản Ón, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình).

Chuột đá Lào đang hiếm đi

Khi được nghe thông tin đây là loài động vật được cho đã tuyệt chủng hàng chục triệu năm thì bà con bản Ón vẫn không tin và cho là đùa. Họ vẫn đặt bẫy, bắt gặp kà-nệ-khụng và ăn thịt chúng.

Anh Tiến cho biết: “Nói nhiều là kể cả trước đây thôi. Chừ đã hiếm đi rồi. Trước mỗi sáng thăm bẫy về khoảng vài chục con thì nay chỉ được vài con thôi. Quý hiếm răng thì miềng chưa biết nhưng bà con vẫn tìm bắt nó mà có ai cản mô?”. Hỏi khắp bản, chúng tôi cứ nghe những câu trả lời đại để như: “Không biết, không tin, không ai cấm…”.

Trưởng bản Trần Xuân Tư cũng xác nhận: “Hiện bản miềng chưa nhận được chỉ đạo, nhắc nhở hoặc ngăn cấm gì từ cấp trên về kà-nệ-khụng cả. Nhưng nếu đúng là nó quý hiếm và cấp trên có cấm thì mình cũng sẽ vận động, tuyên truyền cho bà con để họ không đặt bẫy, ăn thịt nó nữa”.

Rời bản Ón, chúng tôi thực sự lo lắng và hy vọng rằng giới khoa học Việt Nam và cả thế giới sẽ không phải thêm một lần kết luận rằng: Loài chuột đá Lào – con kà-nệ-khụng của đồng bào Rục bị tuyệt chủng đã hoàn toàn thành sự thật.

Bài, ảnh: Trần Đông Hà

CÔNG TY HÙNG THỊNH

Tham khảo thêm

Dịch vụ của Hùng Thịnh

Bạn muốn tìm công ty diệt côn trùng uy tín

• Diệt mối nhà ở, công trình
• Dịch vụ diệt côn trùng
• Dịch vụ diệt muỗi, phun muỗi
• Dịch vụ diệt kiến, gián, ruồi, chuột
• Dịch vụ vệ sinh, phun thuốc khử khuẩn.
• Cung cấp thiết bị diệt côn trùng
• Cung cấp hóa chất diệt côn trùng an toàn
• Vui long liên hệ:

Hóa chất diệt côn trùng, mối mọt

CÔNG TY HÙNG THỊNH

TP HCM – CÁC TỈNH MIỀN NAM

HÀ NỘI – CÁC TỈNH MIỀN BẮC

HẢI PHÒNG

BẮC NINH

HẠ LONG – QUẢNG NINH

HƯNG YÊN – HẢI DƯƠNG

0903977081