Một chiếc máy có khả năng hút muỗi vào miệng và nuốt chửng loại côn trùng này đã không còn lạ lẫm với nhiều người. Nhưng tại Việt Nam, tiếp cận được chiếc máy như thế, dù chỉ để phục vụ công tác nghiên cứu cũng không phải điều đơn giản do giá mua máy quá cao. Chiếc máy do tác giả Trần Chí Cường chế tạo sẽ giải quyết nhược điểm này trong khi hiệu quả hút muỗi không hề thua kém máy ngoại.
Khi có dịch sốt xuất huyết xảy ra, việc thu thập muỗi tại các ổ dịch phục vụ cho công tác nghiên cứu, phân tích không phải điều đơn giản. Hiện trên thế giới chỉ có một số loại thiết bị đã được sử dụng từ rất nhiều năm nay như bẫy BGtrap, bẫy CDC, máy Aspirator…
Ở nước ta, chương trình Mục tiêu quốc gia phòng chống sốt xuất huyết hiện đang sử dụng loại máy Aspirator phục vụ việc thu mẫu và đánh giá quần thể. Trong các phòng thí nghiệm thì sử dụng máy Backpack, tất cả đều nhập ngoại từ Mỹ hoặc Nhật Bản. Máy Backpack được sử dụng nhiều nhưng khối lượng quá nặng (khoảng 13-14kg), cồng kềnh, thêm nữa giá thành rất cao (khoảng 40 triệu đồng/máy), đã làm hạn chế việc thu thập mẫu cũng như phổ biến máy trên tất cả các tỉnh trong cả nước. Sử dụng máy Aspirator thì không những đắt mà còn rất khó thu muỗi vì phễu hút và lực hút quá nhỏ.
“Nếu số lượng muỗi và chất lượng muỗi thu được trên thực địa không đạt thì với cả một hệ thống thí nghiệm hết sức hiện đại được đầu tư hàng trăm tỷ đồng tại các cơ sở nghiên cứu sẽ có nguy cơ bị lãng phí và lãng phí tiền của nhà nước cho việc phòng chống Sốt xuất huyết hàng năm”, Trần Chí Cường, đang làm công tác nghiên cứu tại Khoa côn trùng của chương trình Mục tiêu quốc gia phòng chống sốt xuất huyết cho hay.
Trăn trở trước vấn đề này, Cường nung nấu ý tưởng tạo ra một sản phẩm thay thế máy hút muỗi nhập ngoại. Cuối năm 2011, Cường bắt tay vào nghiên cứu.
Chiếc máy hút muỗi do Cường thiết kế có hình trụ, tổng chiều cao 62 cm, đường kính đầu nhỏ 9 cm, đầu lớn 14,5 cm và tổng khối lượng (cả pin) chỉ 1,6 kg. Máy gồm các bộ phận chính: pin sạc 2,6Ah-12V (thời gian sạc 2,5-3 giờ), mỗi máy gồm 2 pin, cánh quạt làm bằng nhôm, mô tơ, bộ điều khiển nguồn và bộ triết áp giúp tăng giảm tốc độ quay, tất cả gắn trên vỏ máy bằng nhựa đúc.
Các bộ phận khác như quai xách bằng nhôm, gông, lưới chắn bảo vệ máy và hộp đựng muỗi. Máy được sơn bằng công nghệ nano có khả năng bám dính tốt giảm khả năng xây xát khi va đập.
Nguyên lí hoạt động của máy khá đơn giản: nguồn điện giúp vận hành mô tơ quay cánh quạt hút gió tạo lực hút muỗi. Muỗi sau đó bị rơi vào hộp đựng muỗi.
Chiếc máy do Cường thiết kế hoạt động khá ổn định và gần như không bị nóng trong điều kiện thời tiết bình thường. Thông thường khi thu mẫu muỗi trên thực địa mỗi hộ dân cần khoảng 10 phút, tuy nhiên khi Cường thử nghiệm để mô tơ chạy liên tục nhiều lần trong khoảng thời gian dài khoảng 4-5 tiếng thì mô tơ và mọi thiết bị của máy đều chạy rất tốt, ổn định về nhiệt độ, tốc độ…
Trong điều kiện bình thường, máy có thể hút được muỗi cách xa so với đầu hộp đựng từ 18-20 cm. Đây là khoảng cách tương đối an toàn cho muỗi, đảm bảo chất lượng muỗi tốt phục vụ cho hoạt động phân lập hay những nghiên cứu khác. Muốn tiêu diệt muỗi hay các loại côn trùng có cánh khác, người sử dụng chỉ cần điều chỉnh tốc độ hút, muỗi sẽ bị chết khi bị hút vào máy.
Từ tháng 8.2012, anh Cường đã triển khai cung cấp cho một số dự án trong và ngoài nước liên quan tới nghiên cứu bệnh sốt xuất huyết. Các dự án này đã phân bố máy về một số tỉnh khác nhau như Huế, Quảng Trị, Long An, Đắk Nông, Hà Tĩnh… Cuối năm 2012, Cường còn cung cấp máy cho một dự án của trường đại học Nagashaki – Nhật Bản…
Hiện tại Cường rất mong muốn có cá nhân hay tổ chức đứng ra hợp tác sản xuất loại máy này. Theo anh “việc phát triển máy sẽ rất có lợi không những cho kinh tế của quốc gia, phục vụ lợi ích của cộng đồng mà còn mang đến những cơ hội cho những người tham gia nghiên cứu và sản xuất máy”.
Cơ hội cung cấp máy cho các nước bạn đặc biệt trong khu vực Đông Nam Á là rất lớn, bởi lẽ hiện tại các nước trong khối ASEAN hầu như cũng không có một cơ sở sản xuất nào làm ra được những chiếc máy tương tự phục vụ cho nghiên cứu mà đều phải đi mua từ bên ngoài, vừa đắt vừa không phù hợp với con người, xã hội, văn hóa. Thái Lan, Malaysia cũng có những mẫu máy của họ, xong đó là những máy có rất nhiều nhược điểm và khó có thể phát triển rộng được.
Theo tính toán của Cường, nếu thương mại hóa, chiếc máy do anh thiết kế sẽ có giá khoảng từ 5 đến 7,5 triệu đồng/chiếc, tùy vào số lượng đơn đặt hàng nhiều hay ít.
Theo NCĐT