Việc phát hiện mọt TG trong ngũ cốc nhập khẩu đang gây ra mối quan ngại lớn, bởi đây là loài côn trùng cực kỳ nguy hiểm, có thể chịu được nóng đến 50 độC và chịu được lạnh tới âm 18 độC.
Ngày 18/4, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV-Bộ NN-PTNT) cho biết, Việt Nam vừa phát hiện thêm 8.750 tấn ngũ cốc nhập khẩu từ Ấn Độ bị nhiễm mọt TG. Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam phát hiện mọt TG trong hàng hóa nhập khẩu. Điều may mắn, cơ quan chức năng chưa ghi nhận sự có mặt của loài này trong lãnh thổ Việt Nam
Sống dai như… mọt TG
Chỉ tính riêng năm 2011, Việt Nam đã buộc tái xuất trên 56 nghìn tấn hàng từ Ấn Độ và Pakistan do nhiễm loại mọt này. Và từ tháng 1/2012 đến nay, riêng Ấn Độ đã có 3 lô hàng với tổng trọng lượng trên 16 nghìn tấn phát hiện có mọt TG phải tái xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam bao gồm 1 tàu chở ngô 7.200 tấn, một lô bột mỳ 253 tấn và mới nhất gần đây là tàu chở khô đậu tương 8.750 tấn.
Hình ảnh mọt TG (Ảnh: Cục BVTV)
Theo Cục BVTV, mọt TG (Trogoderma granarium) tên Việt Nam là mọt cứng đốt, có nguồn gốc từ Ấn Độ. Chúng có thể phá hoại trên 100 mặt hàng gồm lương thực, hạt giống, ngũ cốc (gạo, lúa mỳ, yến mạch, lúa mạch…), sản phẩm ngũ cốc (bột ngô, bột mỳ, khô đậu tượng…), hạt có dầu, thảo dược, gia vị, vải, len dạ, giấy, rau, cao su, đồ hộp và để lại nhiều chất thải như xác lột, phân, chất bài tiết và sản phẩm vụn nát, hậu quả là giảm chất lượng hàng hoá hoặc hàng hoá mất khả năng sử dụng. Ngoài ra, chúng còn có thể hoàn thành vòng đời trên cùi dừa khô, trái cây sấy khô, sản phẩm có nguồn gốc từ động vật như da khô, máu khô, xác chết động vật và cả xác côn trùng.
Theo ông Dương Minh Tú, Giám đốc Trung tâm Giám định kiểm dịch thực vật (Cục BVTV) mọt TG có mặt ở những nơi có điều kiện khô nóng, những vùng có ít nhất 4 tháng trong năm có nhiệt độ trên 20 độC và ẩm độ thấp hơn 50% như các vùng Trung Đông, Châu Phi, Nam Á và một phần Châu Âu, Châu Mỹ
Mọt TG cũng là loài nằm trong danh sách 100 loài sinh vật ngoại lai xâm hại nguy hiểm nhất thế giới, là đối tượng kiểm dịch quốc tế nên tất cả các nước trên thế giới đều ngăn cấm sự xuất hiện của chúng tại lãnh thổ nước mình.
“Mọt TG có thể chịu được nóng đến 50 độC và chịu được lạnh tới âm 18 độC, chịu được độ ẩm rất thấp (2%). Trong điều kiện không có thức ăn, mọt TG có thể đục vào hốc tường, sống tiềm sinh ở đó trong thời gian dài tới 3, 4 năm, thậm chí lâu hơn. Nếu gặp điều kiện không thuận lợi nữa, chúng có thể ngừng phát dục tới 8 năm. Khi gặp điều kiện thuận lợi, chúng lại chui ra gây hại. “Trong trạng thái trao đổi chất thấp, loài côn trùng này có khả năng kháng thuốc trừ sâu và thuốc xông hơi khử trùng”, TS Hoàng Trung nói.
Tàu lớn khó phát hiện mọt
Theo cục BVTV, mọt TG được xếp trong danh mục đối tượng kiểm dịch nhóm 1 của Việt Nam và được hiểu là chưa có mặt trong lãnh thổ Việt Nam. Hiện nay việc khử trùng mọt TG trên các loại ngũ cốc chủ yếu bằng biện pháp xông hơi, hóa hơi hóa chất Methyl Bromide. Theo TS Hoàng Trung, việc khử trùng bằng hóa chất này thì phải có trang thiết bị hiện đại. Việt Nam làm rất tốt ở các kho hàng, tàu hàng nhỏ hay tại các xà lan nhỏ, nhưng đối với các tàu lớn thì còn khó khăn. Đặc biệt, là các tàu có trọng tải trên 16 ngàn tấn và có độ cao trên 6 mét, việc xử lý có thể không triệt để để tiêu diệt tận gốc loại mọt nguy hiểm này. Do đó, quyết định tái xuất số ngũ cốc nhập từ Ấn Độ phù hợp với pháp luật hiện hành của Việt Nam về Kiểm dịch thực vật, đồng thời cũng phù hợp với thông lệ quốc tế mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng nhằm tránh rủi ro.
Cán bộ cục BVTV tiến hành kiểm tra đối tượng kiểm dịch thực vật trên tàu hàng ngũ cốc nhập từ Ấn Độ năm 2011 (Ảnh: Cục BVTV)
Theo lãnh đạo cục BVTV, quyết định buộc tái xuất lô hàng ngũ cốc từ Ấn Độ là cực kỳ phức tạp bởi liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó có những khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam. “Chúng tôi đã khuyến cáo rất nhiều cho các doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn đối tác phải là các đối tác tin cậy, có nguồn hàng đảm bảo là hàng mới, không phải hàng tồn kho, không bị nhiễm nấm mốc, mối mọt. Trong trường hợp đặc biệt, chúng tôi có thể sẽ phải cử các chuyên gia Việt Nam sang nước bạn để đề ra các biện pháp kiểm tra, kiểm soát an toàn tốt nhất nhằm đảm bảo Việt Nam nhập hàng tốt nhất. Sau đó, chúng tôi sẽ xem xét và báo cáo Bộ trưởng tiếp tục cho nhập hàng”, TS Hoàng Trung khẳng định.