“Muỗi đốt truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) là loại muỗi vằn khoang trắng, khoang đen, thường đốt người từ 8 – 10 giờ sáng. Đây cũng là loại muỗi ưa sạch, chỉ đẻ trứng trong vùng nước đọng sạch nên mối nguy SXH tiềm ẩn ngay xung quanh các hộ gia đình khi có các bể, các dụng cụ chứa nước đọng lộ thiên”.
Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Bệnh do muỗi vằn đốt, muỗi truyền bệnh từ người bệnh sang người lành do đó có thể gây thành dịch. Biện pháp phòng chống sốt xuất huyết chủ động, hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng và diệt bọ gậy.
Phòng muỗi đốt:
Muỗi truyền vi rút sốt xuất huyết đốt người vào ban ngày, cho nên phải tự bảo vệ để tránh muỗi đốt. Theo đó, cần xoa thuốc chống muỗi đốt lên những vùng da hở để bảo vệ cả ngày lẫn đêm.
Mặc quần áo dài che kín tay chân khi làm việc ban ngày, nhất là ở nơi có nhiều muỗi; Sử dụng thuốc diệt muỗi thận trọng khi sử dụng thuốc này đối với trẻ nhỏ và người già; Dùng các dụng cụ bắt muỗi và diệt muỗi vào ban ngày.
Dùng màn để tránh muỗi đốt trẻ em, người già và những người khác khi ngủ ban ngày. Tác dụng của màn tốt hơn khi tẩm Permethrin (chất diệt côn trùng pyrethroid), rèm (bằng vải hoặc bằng tre) cũng có thể được tẩm chất diệt côn trùng và treo tại cửa sổ hoặc cửa ra vào để xua muỗi và diệt muỗi.
Phá vỡ chu kỳ lây truyền muỗi:
Muỗi nhiễm vi rút khi chúng hút máu người bị bệnh. Màn chống muỗi và dụng cụ diệt muỗi sẽ giúp ngăn ngừa có hiệu quả để tránh muỗi đốt người và giúp ngăn chặn lây lan của vi rút sốt xuất huyết.
Phòng muỗi sinh sản:
Muỗi truyền vi rút sốt xuất huyết sống và sinh sản ở những nơi có nước ứ đọng trong nhà và xung quanh nhà. Do vậy, cần:
Đậy kín lu, vại, dụng cụ chứa nước sinh hoạt, bể chứa nước, không tạo nơi cho muỗi đẻ trứng. Hàng tuần nên cọ rửa với bàn chải để trứng muỗi rơi ra, thả cá để ăn lăng quăng, bọ gậy.
Không để ứ đọng nước ở các dụng cụ chứa nước mưa, chum vại vỡ, nếu có thì phải úp xuống. Rác thải như non bia, túi ni lông, vỏ sữa chua, rác thải… phải đem đốt hoặc chôn lấp.
Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, không treo quần áo làm chỗ cho muỗi trú đậu, loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng.
“Trong thực tế kiểm tra, chúng tôi phát hiện nhiều hộ dân trong nhà sạch nhưng ngoài vườn đầy các dụng cụ chứa nước đọng, như vỏ lon nước ngọt, vỏ hộp sữa chưa… đây đều là những vật dụng nước đọng là nơi muỗi SXH ưa đẻ trứng. Kinh nghiệm vụ dịch SXH ở Tây Nguyên năm 2016 cho thấy ở đây tồn tại rất nhiều gáo dừa vứt ngoài vườn, lốp xe công nông bỏ treo là ổ chứa loăng quăng”, Bộ trưởng cho biết.
Vì thế, việc phải chủ động phòng bệnh là diệt loăng quăng, lật úp tất cả các vật dụng có thể chứa nước sạch, diệt muỗi.
Không đổ xô lên tuyến trung ương
Bộ trưởng khuyến cáo, khi bị sốt cao dùng thuốc hạ sốt không đỡ, trong vùng dịch SXH nên vào viện gần nhất để khám. Tuyệt đối không đổ xô lên tuyến Trung ương bởi tình trạng quá tải nằm ghép khi có quá nhiều bệnh nhân sẽ gây nên tình trạng nhiễm chéo bệnh.
“Đổ tất cả vào một chỗ sẽ gây nên tình trạng quá tải không cần thiết, điều dưỡng không theo dõi được mạch huyết áp, tiểu cầu hàng giờ, không giám sát truyền dịch tăng tử vong, tăng lây truyền chéo”, Bộ trưởng khuyến cáo.
Vì thế, Bộ trưởng chỉ đạo phải phân loại bệnh nhân, phân tuyến cho các bệnh viện tuyến huyện, thành phố. Tại các bệnh viện đều có phác đồ điều trị SXH.
Kinh nghiệm điều trị tại khu vực miền Nam cho thấy từ con số tử vong hàng nghìn ca tử vong do SXH thì nay ca tử vong đã giảm xuống hai con số. Điều này đạt được vì sự phân loại bệnh nhân. Không thể để bệnh nhân SXH độ 1 – 2 nằm lẫn độ 3 – 4 sẽ khó trong việc giám sát, phát hiện nguy cơ biến chứng vì quá tải.
Theo Dân trí