Những tiếng la hét của người bệnh vào lúc nửa đêm khiến không ít bác sỹ trực ở bệnh viện đa khoa Quảng Trị giật mình trăn trở. Hung thủ của những ca chấn động đó là các chú “chít chít”, ban đêm lần ra mò thức ăn, đồ dùng của bệnh nhân.
Ở đây, việc “ông tý” leo qua người không còn lạ với những người nhà bệnh nhân nằm viện dài ngày, nhưng lại là nỗi kinh hoàng với những người lần đầu vào bệnh viện.
Chị Lê Thị Tằm, bệnh nhân khoa Sản kể: “Đang ngủ thì tôi có cảm giác nhồn nhột ở chân. Mở mắt ra vừa nhìn thấy chuột đang gặm, chưa kịp phản ứng thì nó đã chạy luôn từ chân lên đến vai tôi rồi chuồn qua một khe nhỏ ở góc hành lang, tôi ngồi co ro suốt đêm không dám ngủ”.
Một số người nhà bệnh nhân còn vui vẻ gọi đùa đó là những con thỏ, vì con nào cũng to. Thỉnh thoảng cũng có vài con mèo xuất hiện ở bệnh viện, nhưng không mèo nào dám “đấu” với chuột cả, vì đám chuột rất to và đông.
Không chỉ ở khoa sản, chuột còn tung hoành ở nhiều tầng khác của bệnh viện. Những người nuôi bệnh nhân cho biết, chuột thường bắt đầu tìm thức ăn vào lúc mọi người đi ngủ. Chúng chạy khắp nơi để tìm kiếm, thấy thức ăn dành cho người bệnh nằm ở hành lang, không có tủ chứa là chúng tấn công ngay.
Không chỉ xuất hiện ban đêm mà chuột còn chui vào ca nước, cắn phá thức ăn giữa ban ngày. Chúng cắn phá kho thuốc, kho áo quần của bệnh viện. Nguy hiểm hơn, chúng có thể mang mầm bệnh lây lan khắp nơi trong bệnh viện.
Ông Trần Quốc Tuấn, phó giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết: “Bệnh viện đã từng hợp đồng với các công ty tư nhân diệt chuột nhưng thấy phương án họ đưa ra không đảm bảo vệ sinh môi trường, không an toàn cho người bệnh nên bệnh viện không đồng ý. Các công ty này áp dụng phương pháp dùng thuốc độc để diệt chuột, gây nguy hiểm cho người bệnh. Hơn nữa, họ không kiểm soát được vị trí của chuột bị chết, gây ô nhiễm môi trường không khí”.
Ai cũng nhận thức được rằng, công tác giữ gìn vệ sinh môi trường trong ngành y tế có ý nghĩa rất quan trọng. Anh Hoàng Hải Hà, cán bộ tin học của bệnh viện, chỉ huy đội diệt chuột tâm sự: “Công tác trong ngành y tế, hơn ai hết, chúng tôi hiểu được nguy cơ lây nhiễm cao khi tiếp xúc với loài gặm nhấm này, nhưng không vì thế mà thành viên trong tổ ái ngại. Tất cả đều tích cực diệt chuột vì người bệnh và vệ sinh môi trường y tế”.
Hơn một tháng qua, tại khu vực bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị, cứ 19 giờ hàng đêm cho đến sáng hôm sau, một tốp người lặng lẽ mang dụng cụ lùng sục khắp nơi trong khu vực bệnh viện đặt bẫy diệt chuột. Trung bình mỗi đêm như thế, họ diệt được hàng chục cân chuột. Sự hoành hành của loài chuột trong bệnh viện giảm hẳn, vệ sinh môi trường được giữ gìn sạch sẽ. Tiếp xúc mới biết, tốp người này là đội diệt chuột gồm những bác sĩ, cán bộ thuộc Đoàn cơ sở bệnh viện đa khoa tỉnh.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Dũng, bí thư Đoàn cơ sở bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết: “Trước tình hình này, Đoàn cơ sở đã phát động phong trào diệt chuột trong lực lượng đoàn viên, thanh niên. Toàn bệnh viện có 157 đoàn viên lập thành một đội và chia làm nhiều tổ luân phiên nhau đặt bẫy diệt chuột hàng đêm. Các thành viên phải dò dẫm trong đêm tối đến các khu vực ẩm thấp nhiều chuột sinh sống để đặt bẫy. Thông thường cứ 19 giờ đặt bẫy, khoảng 24 giờ bắt đầu thu chuột bị mắc bẫy và cài lại mồi mới, 4 giờ sáng hôm sau lại thu bẫy. Ngày đầu tiên chúng tôi diệt được hơn 15 kg chuột. Trong tháng 10, chúng tôi diệt hơn 50 kg chuột. Số chuột bị diệt được thiêu huỷ tại lò thiêu của bệnh viện, đảm bảo vệ sinh môi trường”.
Bác sĩ Tuấn cho biết thêm: “Thời gian qua, hoạt động của Đoàn cơ sở bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị được đánh giá cao về mọi mặt. Đặc biệt từ những hiệu quả thiết thực trong công tác diệt chuột đã góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh cho người bệnh, đem lại niềm tin cho nhân dân.
Quang Huế – Minh Tuấn