Diệt côn trùng – Một gia đình trên phố Tràng Thi (Hà Nội) cho rằng nhà có nhiều con gì cắn rất ngứa, cứ tưởng là bọ xít hút máu. Thế nhưng, khi các chuyên gia Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật lấy mẫu kiểm tra hóa ra lại là rệp giường.
Do vệ sinh mà ra
GS.TS Vũ Quang Côn, chủ tịch Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, loài rệp giường có thể cắn người và hút máu vào bất cứ lúc nào, cả ngày lẫn đêm nếu có điều kiện. Rệp có màu nâu như màu của loài gián nhưng nhạt hơn, cơ thể dẹt và nhỏ. Chúng thường cư trú ở các khe giường, tủ, ghế hoặc dưới các lớp đệm mút.
GS.TS Vũ Quang Côn nhấn mạnh, việc dư luận đang xôn xao chuyện rệp hút máu người khiến người dân lo lắng là không đúng mức. Rệp giường là loài có từ rất lâu, nhất là trong những giai đoạn trước khi đời sống còn thiếu thốn.
Các loại hóa chất diệt côn trùng chưa có nhiều, cùng với việc các gia đình không có điều kiện vệ sinh, cách sống không sạch sẽ, thiếu ngăn nắp là môi trường để rệp giường phát triển nhiều.
Đến nay, rệp không có nhiều trong các gia đình, nhất là khu vực đô thị, do người dân sử dụng nhiều hóa chất, hơn nữa các gia đình cũng có ý thức vệ sinh cao hơn. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn là ổ lý tưởng của chúng, là nơi lây lan ra cộng đồng như ghế, giường ở các tàu, xe… Nơi đây, số lượng người nằm, ngồi, qua lại nhiều, môi trường vệ sinh kém.
Loài rệp này cũng có nhiều ở những nơi công trường hoặc chỗ ở trọ, khách sạn nhà nghỉ… vì các nơi này thường tụ tập đông người, vệ sinh không kỹ. Ngoài ra ở một số gia đình, việc sử dụng giường gỗ, chiếu gỗ cũng là yếu tố phát sinh nhiều rệp vì có những khe nhỏ để chúng ẩn nấp.
GS Vũ Quang Côn nhận định, hiện nay số lượng loài này rất ít, thậm chí có thể nói là hiếm, và cũng chưa có kết quả nghiên cứu nào khẳng định việc truyền bệnh của loài này đối với con người.
PGS.TS Nguyễn Văn Châu, phòng Côn trùng, Viện Sốt rét, Ký sinh trùng Côn trùng TƯ cũng khẳng định, việc bị loài côn trùng này cắn và hút máu cũng chỉ như việc bị con muỗi đốt, không nên quá đề cao cụm từ “hút máu” mà cho rằng nó quá nguy hiểm. Rệp giường cắn không lây truyền dịch bệnh mà chỉ gây ngứa ngáy, khó chịu. Vết cắn có thể đỏ lên, nhưng không gây hậu quả nào đáng ngại trên da, cũng như đối với sức khoẻ con người.
Phun thuốc nhiều lần để diệt tận gốc
Các chuyên gia cho biết, để phát hiện loài rệp giường chỉ cần lật giường lên, soi kỹ ở các khe nhỏ, tối tăm. Nếu phát hiện trong nhà có rệp cần tìm và vệ sinh để tiêu diệt hết. Tuy nhiên, chỉ vệ sinh lau quét giường, giặt chiếu, đệm, chăn màn, ga gối cũng chưa đủ để diệt sạch loài côn trùng này mà cần ngâm hoặc dội nước sôi trực tiếp vào các đồ dùng đó, sau đó giặt sạch và phơi dưới nắng gắt. Nếu có nhiều, cần ngâm, giặt chăn màn trong nước sôi nhiều lần để diệt trứng cũng như con non tận gốc. Sử dụng các loại thuốc diệt côn trùng, muỗi, rệp… như Fedonal để tiêu diệt.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Văn Châu nhấn mạnh, phun thuốc một lần không thể diệt sạch loài côn trùng này vì các hóa chất đó không làm chết cả trứng của chúng. Do đó, cần phun thuốc liên tục 2 – 3 lần, cách nhau 5 – 7 ngày, cho hết các lứa sinh sản mới của chúng, như vậy mới đảm bảo diệt tận gốc.
Rệp thường sống ở những nơi tối tăm, ẩm thấp, bừa bộn và mất vệ sinh, do đó, các gia đình nên chú ý vệ sinh sạch sẽ và giữ cho nhà cửa, nhất là khu vực giường ngủ được gọn gàng, thông thoáng. Tuyệt đối không nên túm màn vắt lại trên đình màn. Nên thường xuyên giặt và phơi nắng chiếu, đệm, ga trải giường, quét, lau sạch các khe giường, tủ, bàn ghế…
Theo Bee
Công ty Hùng Thịnh