Công ty diệt chuột – Cứ sau mỗi vụ thu hoạch lúa, cả làng lại thi nhau ra đồng diệt chuột và sâu bọ để bảo vệ hoa màu cho những mùa vụ sau. Đó là việc làm được phổ biến hằng chục năm nay tại làng Phú Hậu (Diễn Tân, Diễn Châu, Nghệ An).
Trên những cánh đồng lúa bát ngát, sau mỗi vụ mùa chỉ còn trơ lại gốc rạ. Đây cũng là thời điểm lý tưởng để người dân ra đồng diệt chuột hòng bảo vệ mùa màng.
Mới sáng sớm, tiếng loa phát thanh của xóm đã reo vang lời kêu gọi toàn dân ra đồng bắt chuột. Sau tiếng loa phát động, mọi người đổ ra đường cùng với các vật dụng như cuốc, xẻng, xô, thùng… rồi họp thành từng nhóm để bắt đầu cuộc “truy lùng” chuột.
Em Lưu Thị Thúy Hằng (13 tuổi) hồ hởi cho biết: “Hôm nay xóm phát động diệt chuột trúng ngày chủ nhật nên em có cơ hội đi bắt chuột. Đi bắt chuột vui lắm anh ạ!”.
Để tận mắt cách bắt chuột, chúng tôi theo chân nhóm của bé Hằng, đây là nhóm có tuổi nhỏ nhất trong đội ngũ diệt chuột của xã Diễn Tân. Hằng cho biết: “Mấy anh thanh niên đào bới để bắt còn chúng em không đủ sức đào bới thì dùng xô múc nước đổ vào lỗ. Chỉ cần tìm hang và các ngách rồi tịt lại đổ nước là chuột phải chui ra!” Vậy mà chỉ trong một tiếng đồng hồ, nhóm của Hằng đã bắt được hơn 20 con chuột lớn nhỏ góp phần bảo vệ mùa màng.
Là việc làm thiết thực để bảo vệ mùa màng nên năm nào cũng thế, hệ ngoài đồng thu hoạch xong vụ mùa là chương trình diệt chuột lại bắt đầu. Ông Nguyễn Cảnh, xóm trưởng xóm 1 cho biết: “Đất nông nghiệp của thôn chủ yếu là đất hai vụ bao gồm lúa và các loại hoa màu nên diệt chuột là việc rất cần thiết. Để chương trình được hoàn thiện, chúng tôi trích một nguồn vốn từ quỹ của thôn và người bắt được chuột nếu nộp đuôi sẽ được thưởng số tiền 800 đồng/đuôi”.
Ông Cảnh cũng cho biết thêm, có nhiều nơi dùng các biện pháp như thuốc hóa học, đánh bẩy… không những không tiêu diệt triệt để mà còn gây ảnh hưởng đến môi trường sống. Cách phát động bắt trực tiếp sẽ cho hiệu quả cao và có tính quy mô càn quét triệt để.
Không phân biệt già trẻ, gái trai, hệ chương trình được phát động là cả làng lại kéo nhau ra đồng. Anh Cao Xuân Mười (24 tuổi), vừa dùng xẻng xúc đất vừa cho hay: “Loài chuột đồng phá lúa ghê lắm. Nếu không bắt, chúng sẽ phá hoại hết cây trồng. Hơn nữa chúng là loài sinh sản nhanh, cứ 24 đến 28 ngày là chúng sẽ đẻ một lứa, mỗi lứa ít nhất 7 – 10 con nên rất nguy hiểm. Nếu không diệt thì nguy cơ mất mùa do chuột gây nên là rất cao”.
Không chỉ diệt chuột, làng Phú Hậu còn tổ chức các chương trình như diệt châu chấu, diệt sâu, bọ… Theo những nhà nông nơi đây, hiện nay nạn châu chấu, sâu, rầy… phá hoa màu đã được chế ngự hoàn toàn, chỉ có chuột đồng là vẫn còn nên năm nào làng, xã cũng phát động.
Không chỉ đánh bắt thủ công, làng còn phát động chương trình nuôi mèo diệt chuột. Anh Lưu Viết Trung (28 tuổi) cho biết: “10 năm trước để diệt chuột trong nhà, làng tổ chức khuyến khích nông dân nuôi mèo. Mỗi hộ dân sẽ được hỗ trợ 30.000 đồng để mua mèo giống. Nay làng nhiều mèo lắm! Chuột đồng, chuột nhà cũng vì thế mà giảm đi rất nhiều”.
Chương trình diệt chuột bảo vệ mùa màng của làng Phú Hậu đã hình thành từ hàng chục năm nay. Mỗi đợt ra quân, hàng ngàn con chuột lớn nhỏ bị bắt và tiêu hủy. Theo ông Nguyễn Cảnh, đợt diệt chuột vừa rồi mới chỉ diễn ra 1 ngày trên các cánh đồng nhưng số lượng chuột thu được lên tới con số 5.280 con.
Về cách bảo vệ mùa màng của làng Phú Hậu, ông Lưu Đức Hạnh, chủ tịch UBND xã Diễn Tân khẳng định: “Đó là việc làm có thật đã hình thành và hoạt động hơn chục năm nay. Diệt chuột, sâu, bọ… bằng cách phát động toàn dân là việc làm thiết thực, có hiệu quả và đáng nhân rộng. Chúng tôi vô cùng đề cao hoạt động tập thể này của bà con xã viên làng Phú Hậu và không ngừng khuyến cáo nhân dân trong xã làm theo”.