Chuột hại ngô và biện pháp phòng trừ
1. Thiệt hại do chuột gây ra
Tuỳ theo trọng lượng cơ thể và loài chuột mà mức độ phá hại của chúng khác nhau. Một con chuột trong một năm có thể ăn hết từ 13 đến 21 kg thóc. Ngoài thiệt hại về mặt kinh tế do chuột gây ra, chuột còn gây một số bệnh cho người thông qua bài tiết của chúng và mang vi trùng gây bệnh cho người vào lương thực trong quá trình phá hại.
Nhiều loài chuột mang ký sinh trùng truyền bệnh dịch cho người và gia súc. Có tới 30% số bệnh dịch do chuột truyền sang người. Trong các bệnh do chuột gây ra đối với con người, nguy hiểm nhất là một số bệnh sau đây:
– Bệnh sốt chuột: (Typhus murin) do vi trùng Rithettsia gây ra, rất nguy hiểm đối với người. Vi trùng này có trên các loại bọ chét của chuột.
– Bệnh hoàng đản xuất huyết: do xoán trùng Leptospiractero hemorragie gây nên. Chuột thường mắc bệnh này và người bị lây bệnh này do sự bài tiết của chuột trên các loại lương thực khi chúng ăn hại.
– Bệnh dịch hạch: là bệnh nguy hiểm nhất mà chuột gây ra cho người. Đây là bệnh truyền nhiễm do trực trùng Pasteurella pastis. Người mắc bệnh dịch hạch dễ dẫn đến tử vong.
2. Đặc điểm phân loại chuột
a/ Đặc điểm
Chuột là động vật có vú, thuộc loài gậm nhấm và có một số đặc điểm chung như sau: có mõm nhọn, mắt đen và to, lông ngắn và mềm, đuôi dài và có một lớp vảy ngắn nhỏ. Bộ răng gồm 4 chiếc răng cửa và 12 răng hàm. Răng cửa của chuột thường xuyên phát triển trong suốt đời và phát triển nhanh, mỗi năm răng dài thêm 12 mm, do vậy gặm nhấm là điều không thể thiếu đối với chuột. Gậm nhấm suốt ngày có tác dụng làm mòn và hạn chế sự phát triển của răng để răng không ảnh hưởng tới đời sống của chuột. Vì vậy, chuột không chỉ gậm nhấm thức ăn mà còn bất kể thứ gì có thể gậm nhấm được.
Về cấu tạo trong, một điểm cần chú ý là chuột không có túi mật nên dịch mật được tiết thẳng vào tá tràng.
Nhìn chung, chuột là động vật khá nhanh nhẹn, có tính “đa nghi” trong hoạt động sống của chúng, chuột rất thận trọng và dè dặt. Cơ quan thính giác và khứu giác của chuột rất phát triển, nên chuột rất thính tai đánh hơi cũng rất nhạy: chuột có thể phát hiện thức ăn ở khoảng cách rất xa, nhận được mùi đối thủ là mèo và mùi hơi tay người chuẩn bị bả, bẫy. Ngược lại vị giác của chuột lại kém phát triển. Chuột thích đi theo đường mòn cố định nên người ta thường tìm lối đi của chuột để đặt bẫy kẹp.
Chuột ít hoạt động vào bao ngày, tuy nhiên trong một số trường hợp khi trong kho vắng người, chuột vẫn hoạt động phá hoại. Chuột hoạt động và phá hoại mạnh chủ yếu về đêm. Chập tối là thời gian chuột bắt đầu hoạt động, lúc đầu thường các con nhỏ ra khỏi nơi ẩn nấp trước, sau đó các con lớn mới xuất hiện.
Chuột sinh sản rất mắn, khi điều kiện khí hậu thời tiết thích hợp là chuột bắt đầu giao phối. Thời gian mang thai của chuột thường khoảng 20 ngày. Chuột có thể đẻ được từ 2 đến 12 con một lần. Khi mới đẻ chuột không có lông, chưa mở mắt, không có răng, chuột mẹ phải ủ ấm đàn con và bảo vệ con rất cẩn thận. Chuột con lớn rất nhanh, chỉ sau khoảng 20 đến 22 ngày chúng đã có trọng lượng gấp 6 – 7 lần trọng lượng ban đầu và đã mọc lông. Sau một tháng chuột con đã có thể tự kiếm ăn và bị mẹ bỏ. Lúc này chuột con cũng phải tự kiếm hang ổ khác để sống. Sau tháng thứ hai nếu thức ăn đầy đủ, điều kiện ngoại cảnh thích hợp cả về nhiệt độ và độ ẩm thì chuột đã thành thục có thể sinh sản, do đó số lượng chuột tăng lên rất nhanh.
Theo tính toán, một đôi chuột và các thế hệ tiếp theo của chúng sau thời gian 3 năm sẽ là 20.155.392 cá thể.
Sinh sản của một số loài chuột
Loài chuột
Số lứa
đẻ trong
một năm
Số con
của một lứa
Thời gian
có chửa (ngày)
Thời gian
thành thục (ngày)
Khả năng
sống
(năm)
Chuột đàn
Chuột nhắt
Chuột cống
3 – 5
2 – 7
4 – 5
5 – 10
5 – 14
5 – 9
22
21 – 22
19 – 21
Sau 3 tháng
Sau 2 tháng
Sau 3 tháng
3 – 4
3 – 4
2
Ngoài thức ăn, chuột cũng cần nước để uống, để bổ sung vào lượng nước có sẵn trong thức ăn. Đối với chuột nhắt và chuột đàn nếu thức ăn có thuỷ phần 15 – 16% chúng vẫn sinh sản bình thường. Còn chuột cống đòi hỏi thức ăn phải có thuỷ phần 50 – 60%, nếu thức ăn khô hơn, chúng rất cần bổ sung thêm nước.
Các loại chuột gây hại rất lớn cho nông sản bảo quản, ngoài số lương thực bị chúng ăn hại gây thất thoát, chúng còn gây đổ vãi, gây ô nhiễm khối lượng lương thực rất lớn. Thường thì khối lượng lương thực bị chuột làm vương vãi, làm bẩn không thể sử dụng làm lương thực được nữa thường gấp 10 lần so với khối lượng lương thực mà chúng ăn hại.
b/ Phân loại
Chuột có rất nhiều loài, và có số lượng rất lớn. Riêng ở nước ta theo điều tra ban đầu có khoảng gần 30 loài, và có thể chia làm 3 nhóm dựa vào điều kiện nơi sinh sống.
1/ Nhóm sống trong nhà, trong kho tàng và trong chuồng trại gia súc.
2/ Nhóm chuột sống ở ngoài đồng.
3/ Nhóm chuột thường sống ở rừng núi.
Trong một giống có nhiều loài khác nhau, trong kho bảo quản thường gặp chuột thuộc nhóm một là chủ yếu. Chuột nhà gồm 3 loài thuộc 2 giống. Chuột nhà thuộc lớp có vú (Mamalia), lớp phụ có râu (Placentarial), bộ gậm nhấm (Rodentia), họ Muridae và họ phụ Murinae.
+ Giống Rattus gồm chuột cống và chuột đàn,
+ Giống Mus gồm chuột nhắt nhà.
3. Đặc điểm và đời sống từng loài
a) Chuột đàn (Rattus flavipectus)
– Một số đặc điểm hình thái: Nhỏ hơn chuột cống. Mõm nhọn, vành tai lớn, mỏng không phủ lông. Lông ở lưng màu hung hoặc hung nâu nhạt. Lông bụng có màu xanh nhạt. Phía trên bàn chân có màu nâu sáng. Đuôi có màu trắng. Răng hàm tương đối rộng.
Phương thức sống: Chuột đàn thích sống nơi khô ráo, không đào đất làm hang làm tổ. Loại chuột này thường sống trên mái kho, trần nhà, vách kho hoặc trong các ống tre nứa,… Chuột sống thành đàn rất nhanh nhẹn và tinh khôn. Thức ăn của chuột đàn rất đa dạng bao gồm cả thức ăn có nguồn gốc thực vật như các loại ngũ cốc, các loại đậu đỗ, v.v…, thức ăn có nguồn gốc động vật như thịt, khô cá, nhộng,…
b) Chuột cống (Rattus norvegicus)
– Một số đặc điểm hình thái: Chuột cống có thân hình to và khoẻ hơn chuột đàn. Tai nhỏ và ngắn, hướng về phía trước, không có lông phủ. Mắt to, đen. Đuôi ngắn hơn so với chiều dài thân. Nhìn chung bộ lông chuột cống ít thay đổi, lông lưng màu nâu xám, bụng màu xám. Ngón bàn chân sau dài gấp hai lần so với ngón bàn chân trước.
– Phương thức sống: Chuột cống thường sinh sống những nơi ẩm thấp, tối tăm và hôi hám. Thường sống trong kho tàng, cống rãnh, đào hang dưới nền kho hoặc trong cống rãnh làm nơi sinh sống. Không như chuột đàn, chuột cống leo trèo kém nhưng ngược lại chúng có thể bơi rất khá.
Chuột cống rất phàm ăn, một con chuột cống có thể ăn hết 30 – 40 kg thức ăn một năm. Thức ăn của chuột cống rất đa dạng, kể cả rác bẩn. Khi thức ăn hiếm chúng có thể ăn thịt lẫn nhau, con lớn ăn thịt con nhỏ, con khỏe ăn thịt con yếu. Chuột cống (đặc biệt con cái) rất hung dữ. Chúng khôn ngoan không kém gì chuột đàn. Ngoài việc ăn hại, phá hại các công trình như: kho tàng, cầu cống, các công trình thuỷ lợi, các công trình xây dựng…, chuột cống dễ mang mầm một số bệnh và truyền cho người vì chúng cư trú ở nhũng nơi bẩn thỉu.
c) Chuột nhắt nhà (Mus musculus)
– Một số đặc điểm hình thái: Loài chuột này có thân hình bé nhỏ, mõm nhọn, tai to và tròn không có lông. Mắt nhỏ, trong và đen, hơi lồi. Màu lông biến đổi tương đối rõ rệt, lông phía lưng có màu xám nâu, phía bụng và hai bên hông có màu sáng hơn. Tuỳ theo nơi cư trú mà màu lông của chúng có thể thay đổi, chuột sống trong nhà có màu lông sẫm hơn chuột sống ở ngoài.
Chân chuột nhắt ngắn và rộng, chân trước có bốn ngón, ngón cái bé nhỏ, nhưng chân sau có ngón cái phát triển và bốn ngón khác đều bằng nhau. Răng chuột nhắt ngắn và sắc, thường có màu vàng cam.
– Phương thức sống: Chuột nhắt thích sinh sống ở những nơi khô ráo và ưa thức ăn khô. Chuột nhà rất nhanh nhẹn, tinh ranh, rất nhạy cảm, nhảy và leo trèo tốt. Mắt rất tinh, trong đêm tối có thể nhận thấy các vật xung quanh. Chúng sống len lỏi khắp nơi trong kho, trong nhà ở, thậm chí ngay trong các khe kẽ, trong sách vở,… Mỗi năm một con chuột nhắt ăn hết 7 – 10 kg thức ăn, điều tai hại nhất là chuột nhắt rất hay cắn, nên nông sản trong kho bảo quản dễ bị rơi vãi ra ngoài, do vậy không những gây thất thoát rất lớn mà còn như lời mời các loại côn trùng khác đến phá hại.
4. Các biện pháp phòng trừ chuột
Cả hai phương thức phòng và trừ đều quan trọng như nhau, nhưng trong bảo quản lương thực lấy phương châm phòng là chủ yếu, đồng thời tích cực diệt trừ. Việc phòng và diệt trừ chuột phải được tiến hành thường xuyên mới mong đạt được hiệu quả cao. Nội dung chủ yếu của công tác phòng là bằng mọi cách ngăn không cho chuột vào kho, hoặc nơi cất giữ lương thực, tạo điều kiện bất lợi cho chuột. Đối với công tác diệt chuột là phải tìm mọi cách để có thể diệt sạch và tiến hành diệt thường xuyên nhằm làm cho số lượng của chúng trong kho ở mức tối thiểu hoặc không có.
4.1. Các biện pháp phòng chống chuột
Những biện pháp sau đây thường được áp dụng để phòng trừ chuột vào phá hại ngô và lương thực bảo quản trong kho.
a/ Biện pháp môi trường:
Vệ sinh sạch sẽ kho tàng và môi trường xung quanh kho là một trong những biện pháp phòng ngừa đơn giản, dễ thực hiện nhưng mang lại hiệu quả tốt. Các nông sản bảo quản cần được bao gói để nơi khô ráo sạch sẽ, đồng thời hạn chế các nguồn thức ăn cho chuột (như rác bẩn, thức ăn thừa, cám lợn…) sẽ có thể hạn chế được 75% sự phát triển của chuột. Công tác vệ sinh môi trường cần được tiến hành đồng bộ và thường xuyên. Ngoài việc hạn chế sự phát triển của chuột, vệ sinh môi trường còn có tác dụng hạn chế sự phát triển của các loại sâu bọ hại kho khác.
b/ Biện pháp kiến trúc xây dựng:
Dựa vào những đặc tính sau của chuột để thiết kế và xây dựng kho tàng:
– Chuột không thể nhảy cao quá 0,75 m
– Chuột có thể leo qua tường cao 3 – 4 mét nếu tường trát không được phẳng, khi tường được trát phẳng nhẵn thì chuột không thể vượt qua bức tường cao 1 mét.
– Chuột có thể bò qua một sợi dây mảnh thẳng đứng hoặc nằm ngang, nhưng nếu có một tấm chắn bằng kim loại đường kính khoảng 30 cm thì chuột không thể vượt qua được.
– Tường dày 10 cm được trát kỹ không có chỗ nứt thì chuột cũng không làm gì được, nhưng nếu tường dày hơn mà có vết nứt thì chuột sẽ đục khoét được.
– Lưới thép có kích thước lỗ không quá 1cm thì cả chuột con lẫn chuột lớn cũng không chui qua được.
– Nền xi măng dày 20 cm nếu được xử lý tốt thì chuột cũng khó đào lên được.
– Với các cánh cửa kho tàng bằng gỗ thì nên dùng thép dày bịt vào nhưng chỗ xung yếu ngăn chặn sự xâm nhập, cắn khoét của chuột.
c/ Biện pháp sinh học
Chuột có nhiều kẻ thù tự nhiên như mèo, chó, rắn, chim, cú,… Giữa chuột và những kẻ thù tự nhiên đã tồn tại một liên quan, ràng buộc mật thiết với nhau. Kẻ thù tự nhiên nhiều thì chuột sẽ ít và ngược lại. Chúng ta cần bảo vệ và sử dụng hiệu quả những kẻ thù tự nhiên của chuột sẽ giữ vững sự cân bằng sinh thái.
4.2. Các biện pháp diệt chuột
Hiện tại có rất nhiều phương pháp diệt chuột, nhưng nói chung được chia làm ba nhóm sau đây:
1. Biện pháp cơ học (dùng cạm bẫy);
2. Biện pháp hoá học (dùng các loại thuốc hoá học làm bả);
3. Dùng các biện pháp sinh học (sử dụng kẻ thù tự nhiên hoặc các chế phẩm sinh học để diệt chuột). Một con mèo trong một năm có thể bắt được 500 – 600 con chuột, và một con cú mèo bắt được 1000 con chuột trong một mùa hè. Một con chim diều hâu có thể bắt được 8 – 9 con chuột trong một ngày, và một con chồn có thể bắt được 300 – 400 con chuột trong một năm.
Tuỳ điều kiện cụ thể mà áp dụng phương pháp này hay phương pháp khác. Nói chung, nếu có điều kiện thì nên áp dụng luôn một loạt các biện pháp sẽ có hiệu quả cao hơn.